Trích lục bản đồ địa chính là gì? Hướng dẫn thủ tục và giấy tờ cần có khi trích lục
Trích lục bản đồ địa chính có thể được hiểu là lấy ra một phần hoặc toàn bộ thông tin đất đai dựa vào giấy tờ gốc. Văn bản trích lục là một trong những loại giấy tờ cần thiết khi giải quyết các vấn đề đất đai. Bài viết dưới đây của UNLOCK DREAM HOME sẽ giúp bạn làm rõ khi nào cần trích lục bản đồ và quy trình, hồ sơ cần thiết để xin trích lục tại cơ quan.
Khái niệm về trích lục bản đồ địa chính là gì?
Thông tư 25/2014/TT-BTNMT đề cập đến việc trích lục bản đồ địa chính là một hình thức cung cấp và xác thực thông tin thửa đất được sở hữu theo các nội dung sau đây:
- Số thứ tự của thửa đất.
- Tờ bản đồ số.
- Diện tích thửa đất (đơn vị mét vuông).
- Mục đích sử dụng.
- Họ tên và địa chỉ thường trú của người sử dụng thửa đất.
- Những thay đổi so với giấy tờ về quyền sử dụng đất.
- Bản vẽ thửa đất bao gồm sơ đồ và số đo các cạnh thửa.
Thông tin trong trích lục sẽ là một phần hoặc toàn bộ hay sao y bản chính giấy tờ của thửa đất. Trích lục không phải là một văn bản pháp lý để chứng minh quyền sử dụng đất mà chỉ là văn bản cung cấp thông tin phục vụ việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai.
Mẫu trích lục bản đồ địa chính
Các trường hợp được trích lục bản đồ địa chính
Trong các trường hợp dưới đây, người dân cần chuẩn bị hồ sơ để xin trích lục địa chính tại các cơ quan có thẩm quyền.
Đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Điểm b khoản 3 Điều 70 của nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: Khi đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và đăng ký bổ sung với tài sản gắn liền với đất đai chưa có bản đồ địa chính hoặc có bản đồ địa chính nhưng ranh giới sử dụng đã thay đổi thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện trích lục bản đồ địa chính theo yêu cầu.
Cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Khoản 3 Điều 77 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: Khi cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng (xin cấp lại do bị mất) thì Văn phòng đăng ký đất đai có nghĩa vụ trích lục bản đồ địa chính đối với các trường hợp chưa có hai loại giấy tờ trên.
Trích lục bản đồ địa chính trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai
Theo Điểm c Khoản 3 Điều 89 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trong trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã không thành và các bên lựa chọn tranh chấp tại UBND cấp huyện và tỉnh thì trích lục bản đồ địa chính là một trong những cơ sở để giải quyết tranh chấp.
Người xin giao đất và thuê đất theo yêu cầu
Theo quy định tại khoản 1 điều 3 của thông tư 30/2014/TT-BTNMT, khi giao hoặc thuê đất nhưng không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và quyền giao đất, cho thuê đất thuộc UBND cấp tỉnh thì người xin giao hoặc thuê đất cần trình một bộ hồ sơ, trong đó có trích lục bản đồ địa chính.
Trong trường hợp này, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nghiệm cung cấp trích lục bản đồ địa chất theo yêu cầu của người xin giao hoặc thuê đất.
Thành phần hồ sơ trình UBND cho phép việc chuyển mục đích sử dụng đất
Theo khoản 2 điều 6 của thông tư 30/2014/TT-BTNMT, trích lục bản địa địa chính là một trong những giấy tờ cần thiết của hồ sơ trình UBND cấp tỉnh, huyện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Thành phần hồ sơ trình UBND quyết định thu hồi đất
Trong các hồ sơ trình UBND như hồ sơ trình ban hành thông báo thu hồi đất, hồ sơ trình ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc và hồ sơ trình ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất, trích lục bản đồ địa chính là bắt buộc.
>>> XEM NGAY: Quy định pháp luật đất đai về đồng sở hữu?
Hồ sơ cấp trích lục bản đồ địa chính
Xét theo quy định của thông tư 34/2014/TT-BTNMT, hồ sơ đề nghị cấp trích lục bản đồ địa chính phải có những giấy tờ sau đây:
- Phiếu đề nghị cung cấp dữ liệu đất đai (trích lục bản đồ)
- Sao y bản chính của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc những giấy tờ liên quan.
- Các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp của người xin trích lục.
- Nếu nhờ người khác xin trích lục, cần cung cấp giấy ủy quyền và giấy tờ tùy thân hợp pháp của người được ủy quyền.
Mẫu phiếu cấp dữ liệu đất đai
Trình tự và thủ tục cần thực hiện để trích lục bản đồ địa chính
Theo thông tin tại điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, trình tự và thủ tục cần thực hiện để xin trích lục bản đồ địa chính sẽ gồm ba bước sau đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ: Điền và nộp phiếu đề nghị tại văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc tại UBND cấp phường, xã.
Bước 2: Chờ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết: Khi nhận được yêu cầu, cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành các công việc sau:
- Cấp văn bản trích lục bản đồ cho người yêu cầu.
- Thông báo đến các cá nhân, tổ chức xin trích lục về nghĩa vụ tài chính (nếu có).
- Nếu hồ sơ xin trích lục bị từ chối, phải trả lời người yêu cầu bằng văn bản và ghi rõ lý do từ chối, bao gồm:
- Phiếu đề nghị không cung cấp nội dung rõ ràng, cụ thể.
- Phiếu đề nghị không có tên, địa chỉ thường trú và chữ ký của người yêu cầu.
- Mục đích sử dụng trích lục không phù hợp theo quy định.
- Người yêu cầu trích lục không thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu thuộc trường hợp phải đóng phí).
Thủ tục làm trích lục bản đồ địa chính tại các văn phòng đăng ký đất đai
Mẫu trích lục bản đồ địa chính mới nhất
Sau khi hoàn tất hồ sơ và nộp lên cơ quan, người dân sẽ nhận được mẫu trích lục bản đồ địa chính mới nhất được quy định tại Phụ lục số 13 của Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.
>>> ĐỪNG BỎ LỠ: Các rủi ro khi mua đất không chính chủ
Một số câu hỏi thường gặp khi trích lục bản đồ địa chính
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi thực hiện trích lục bản đồ địa chính mà bạn cần lưu ý.
Thời gian để giải quyết hồ sơ là trong bao lâu?
Nếu nộp trước 15 giờ, thời gian giải quyết hồ sơ trích lục bản đồ địa chính sẽ là ngay trong ngày. Nếu nộp sau 15 giờ, hồ sơ xin trích lục bản đồ sẽ được giải quyết vào hôm sau.
Thời gian giải quyết hồ sơ trích lục tối đa là 3 ngày làm việc. Nếu sau thời gian này mà người yêu cầu vẫn chưa nhận được kết quả hồ sơ thì có quyền khiếu nại về quy trình tiếp nhận hồ sơ của cơ quan.
Xin trích lục bản đồ địa chính ở đâu?
Người dân sẽ xin trích lục bản đồ địa chính tại văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc ủy ban nhân dân cấp xã.
Cơ quan nào có thể trích lục bản đồ địa chính?
Theo quy định, cơ quan có thẩm quyền trích lục bản đồ địa chính tại địa phương là văn phòng đăng ký đất đai. Tuy nhiên, tại những đại phương chưa có cơ sở dữ liệu đất đai, việc trích lục sẽ được thực hiện theo cách sau:
- Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tiến hành trích lục bản đồ trong phạm vi quản lý.
- UBND cấp xã sẽ trích lục bản đồ đối với hồ sơ đăng ký đất đai được nộp tại UBND cấp xã.
Có thể xin trích bản đồ địa chính tại các văn phòng đăng ký đất đai
Trường hợp nào nên xin trích lục bản đồ địa chính?
Các trường hợp nên xin trích lục bản đồ địa chính sẽ là:
- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Căn cứ giải quyết về tranh chấp đất đai.
- Người xin giao đất và thuê đất theo yêu cầu.
- Thành phần hồ sơ trình UBND cho phép việc chuyển mục đích sử dụng đất.
- Thành phần hồ sơ trình UBND về quyết định thu hồi đất.
Tóm lại, trích lục bản đồ địa chính là một văn bản cần thiết trong một số hồ sơ liên quan đến đất đai. Mong rằng với bài viết này, UNLOCK DREAM HOME đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các trường hợp cần trích lục bản đồ, cũng như hồ sơ và quy trình giải quyết yêu cầu tại địa phương.
>>> CHIA SẺ THÔNG TIN: Hướng dẫn đóng thuế đất online nhanh chóng